Bắc Giang

51.47879, -0.010677


Mô tả

Vị trí địa lý: Tỉnh Bắc Giang thuộc khu vực Đông Bắc Việt Nam, nằm ở tọa độ địa lý từ 21°07’ đến 21°37’ vĩ độ bắc; từ 105°53’ đến 107°02’ kinh độ đông, nằm chuyển tiếp giữa các tỉnh phía Đông Bắc với các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và Thủ đô Hà Nội. Phía Nam giáp các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương; phía Bắc giáp tỉnh Lạng Sơn; phía Đông giáp tỉnh Quảng Ninh; phía Tây giáp Thủ đô Hà Nội và tỉnh Thái Nguyên.          

Trung tâm hành chính, chính trị: của tỉnh là thành phố Bắc Giang cách Thủ đô Hà Nội 50 km; cách cửa khẩu Hữu Nghị Quan 110 km (cửa khẩu lớn nhất thông thương giữa Việt Nam với Trung Quốc); cách sân bay quốc tế Nội Bài 50 km; cách cảng biển Hải Phòng và cảng biển nước sâu Cái Lân - Quảng Ninh 130 km.

Diện tích, dân số, đơn vị hành chính Diện tích tự nhiên gần 3.850 km², dân số gần 1,6 triệu người, có 10 đơn vị hành chính gồm: Thành phố Bắc Giang và 9 huyện với 230 xã, phường, thị trấn.

Địa hình, địa chất, khí hậu, thuỷ văn: Địa hình gồm 2 tiểu vùng trung du và miền núi có đồng bằng xen kẽ, có nền địa chất tốt. Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 23 - 24°C, nhiệt độ thấp nhất: 4°C, nhiệt độ cao nhất 39°C. Độ ẩm không khí trung bình 83%. Lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 1.400-1500 mm/năm.

Tài nguyên đất: Diện tích tự nhiên gần 385 nghìn ha, trong đó có: 275,7 nghìn ha đất nông nghiệp, chiếm 71,64%; 92,8 nghìn ha đất phi nông nghiệp, chiếm 24,12%; 16,3 nghìn ha đất chưa sử dụng, chiếm 4,24%.

Tài nguyên nước Tỉnh Bắc Giang có nguồn nước khá phong phú, nguồn nước mặt, hệ thống thủy văn tự nhiên được phân bố tương đối đồng đều. Tỉnh có 3 con sông lớn là: Sông Thương, Sông Cầu và Sông Lục Nam, nằm trong hệ thống Sông Thái Bình, với tổng chiều dài là 347 km; nhiều hồ lớn như Hồ Cấm Sơn rộng gần 3.000 ha, các hồ: Khuôn Thần, Làng Thum, Lòng Thuyền, Bầu Lầy (huyện Lục Ngạn), Khe Chão (huyện Sơn Động), Suối Mỡ, Suối Nứa (huyện Lục Nam)…Nguồn nước ngầm có chất lượng tốt với trữ lượng trên 920 nghìn m3/ngày đêm và mực nước ngầm nằm không quá sâu.

Tài nguyên rừng Toàn tỉnh có trên 140 nghìn ha đất lâm nghiệp có rừng chiếm 36,41% tổng diện tích tự nhiên, trong đó có trên 50% là rừng sản xuất có giá trị kinh tế lớn. Rừng tự nhiên còn tại 2 khu bảo tồn Khe Rỗ và Tây Yên Tử với hơn 200 loài thực vật, nhiều chủng loại cây hỗn giao phong phú và động vật rừng quý hiếm đang được bảo tồn. Rừng Bắc Giang nằm ở đầu nguồn các hồ chứa nước lớn, có khả năng thu hút khách du lịch như hồ Cấm Sơn, Khuôn Thần, Suối Mỡ…

Tài nguyên khoáng sản Trên địa bàn tỉnh có một số nguyên liệu quan trọng để phát triển công nghiệp như: Than đá tại các huyện Yên Thế, Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam có trữ lượng khoảng hơn 114 triệu tấn, trong đó mỏ than Đồng Rì có trữ lượng trên 100 triệu tấn (đã triển khai xây dựng nhà máy nhiệt điện Sơn Động); quặng sắt ở Yên Thế khoảng 500 nghìn tấn; gần 100 nghìn tấn quặng đồng ở Lục Ngạn, Sơn  Động; trên 600 nghìn tấn quặng barit; có tiềm năng về sét làm gạch ngói, cuội kết ở Hiệp Hòa, Lục Nam với tổng trữ lượng trên 8 triệu m³…

Truyền thống văn hóa Là vùng đất cổ giàu truyền thống lịch sử, văn hoá, hiện nay toàn tỉnh Bắc Giang có 2.237 di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc đặc sắc, trong đó có 109 di tích xếp hạng cấp quốc gia, và 276 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Nổi bật là dấu tích thành cổ Xương Giang; khu di tích cuộc Khởi nghĩa của nông dân Yên Thế; khu di tích cách mạng Hoàng Vân và di tích Y Sơn (Hiệp Hoà); chùa Vĩnh Nghiêm - một trung tâm phật giáo thời Trần; đình, chùa Thổ Hà (Việt Yên); đình, chùa Tiên Lục và cây Dã Hương nghìn năm tuổi (Lạng Giang) đã được Vua Cảnh Hưng sắc phong là “Quốc chúa Đô mộc Dã Đại Vương”; Đặc biệt UNESCO công nhận Dân ca quan họ (cùng với Bắc Ninh) là Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại và Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được công nhận và vinh danh là Di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương ...Ngoài ra còn nhiều nét đẹp trong sinh hoạt văn hoá của đồng bào dân tộc Sán Chí, Cao Lan, Nùng, Tày, các điệu hát Soong hao, Sli, đang được các dân tộc Bắc Giang gìn giữ, bảo tồn và khôi phục.